Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, năm B: Cây nho và cành

Bài 65: Cây nho và cành | Dưới ánh sáng Lời ChúaBài 65: Cây nho và cành

Trong số bảy loại thực phẩm quý giá mà Thiên Chúa ban cho dân Ítraen trong miền Đất Hứa là “lúa mì, lúa mạch, cây nho, cây vả, cây lựu, cây ô-liu để ép dầu và mật ong” (x.Đnl 8, 7-8), thì nho là loại cây trái được Kinh Thánh đề cập đến nhiều hơn cả, vì sự đóng góp quan trọng của nho trong văn hoá và kinh tế (x.Đnl 6, 11; Gs 24, 13), cũng như nho là nguồn thu nhập chính của dân Ítraen (x.1Sm 8, 14; 2 V 5, 26). Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nho thường được Cựu Ước đề cập đến như là những biểu tượng gắn liền với dân Ítraen và đời sống của họ (x.Gr 2, 21; Hs 10, 1; Tv 80, 9.15), còn các tác giả Tân Ước thì dùng hình ảnh cây nho hoặc vườn nho với những ý nghĩa biểu tượng chỉ về Đức Giêsu (x.Ga 15, 1-7) và chỉ dân Ítraen (x.Mt 20, 1-16; 21, 33-41; Mc 12, 1-11; Lc 20, 9-16).

Vậy, trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa lời tuyên bố của Chúa Giêsu về chính Người và về những kẻ tin vào Người: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5a) mà chúng ta sẽ nghe trong trình thuật Tin Mừng Gioan (Ga 15, 1-7) vào Chúa Nhật thứ V Phục Sinh sắp tới.

Như đã nói, hình ảnh cây nho là hình ảnh biểu tượng chỉ về dân Ítraen đã có từ trong truyền thống Cựu Ước (x.Is 5, 1-7; 27, 2-6; Gr 5, 10; 12, 10-11). [Xin xem bài 34]. Và trong Tân Ước, hình ảnh cây nho cũng được các tác giả Tin Mừng sử dụng nhiều lần để chỉ dân Ítraen, và qua đó trình bày về tương quan giữa người chủ và vườn nho, cũng như với những người thợ làm vườn nho, chẳng hạn như:

+ “Dụ ngôn thợ làm vườn nho” (x.Mt 20, 1-16)

+ “Dụ ngôn hai người con” (Mt 21, 28-32)

+ “Dụ ngôn những tá điền sát nhân” (Mt 21, 33-41; Mc 12, 1-11; Lc 20, 9-16)

Nhưng với Tin Mừng Gioan thì hình ảnh cây nho còn được dùng để chỉ đến chính Đức Giê-su, mà cụ thể là lời tuyên bố của Người: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15, 1), và “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5). Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào về những lời này của Đức Giêsu ?

1. Đức Giê-su là “cây nho thật”

“Thầy là cây nho thật” (ἡ ἄμπελος ἡ ἀληθινὴ) là lời công bố của Đức Giê-su về chính Người mà tác giả Tin Mừng Gioan đã ghi lại. Trong lời tuyên bố đó, tính từ “thật”, hay “chân thật” (ἀληθινὴ) hàm ý là hoàn hảo, tuyệt đối, hoặc viên mãn. Theo đó, khi tuyên bố mình là “cây nho thật”, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng Người là sự sống “thật sự”, một sự sống chỉ có thể đến từ trên cao, tức là từ Chúa Cha. Vì thế tính từ “thật” (ἀληθινός [alêthinos]) ở đây hàm ý rằng Đức Giêsu sẽ thông truyền một sự sống đích thực, chứ không phải sự sống thuần tuý trần gian, vốn dĩ vô thường, nay còn mai mất. Ngoài ra, Đức Giêsu, “cây nho thật” sẽ không cung cấp một sự tồn tại nào đó cho các môn đệ, mà là cung cấp một sự sống phong nhiêu và viên mãn cho những kẻ tin vào Người.

Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, việc Đức Giêsu nhận mình là “cây nho thật” ở đây xem ra cũng gợi nhớ đến một cây nho khác, đó là “cây nho không thật”, “cây nho giả”, “cây nho thoái hoá”, hay “cây nho dại” mà các ngôn sứ trong Cựu Ước đã dùng để chỉ về Ítraen xưa. “Cây nho không thật” này đã nhiều lần bị Thiên Chúa quở trách. Chẳng hạn như:

+ Ngôn sứ Giêrêmia ghi lại lời Thiên Chúa phán với dân Ítraen rằng: “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hoá thành những cành nho tạp chủng?” (Gr 2, 21).

+ Ngôn sứ Isaia nhấn mạnh rằng Đức Chúa là người đã phát quang, vỡ đất và đem giống nho quý vào trồng trong khu vườn của Người, đồng thời Thiên Chúa tận tâm chăm sóc vườn nho đó, thế mà kết quả thu được chỉ là thứ nho dại. Vì thế, Đức Chúa tuyên bố Người sẽ phá huỷ vườn nho (x.Is 5, 1-7).

Như vậy, bằng vào việc khẳng định mình là “cây nho thật”, Đức Giêsu xác định rằng chỉ nơi Người mới có sự sống đích thực và viên mãn.

2. Chúa Cha là “người trồng nho”

Đoạn Tin Mừng Ga 15, 1-8 cũng cho thấy vai trò của Chúa Cha như người trồng nho cần mẫn và khôn ngoan khi biết cắt bỏ những cành vô dụng, đồng thời cắt tỉa những cành sinh trái để chúng sinh nhiều trái tốt hơn.

Việc “cắt bỏ” và “cắt tỉa” có thể gây mất mát và tổn thương cho cây nho, nhưng thực sự cần thiết và sẽ đem lại kết quả tốt đẹp, như tác giả thư Híp-ri nhắn nhủ:

Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. […]  Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính (Hr 12, 7-8.11).

Còn thánh Giacôbê tông đồ thì nói:

Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì (Gc 1, 2-4).

Điều này cũng giúp giải thích phần nào vấn đề đau khổ của người công chính, khi mà bản thân họ sống tốt nhưng vẫn thường gặp những nghịch cảnh, thử thách và đau khổ. Quả vậy, Chúa Cha luôn mong muốn những kẻ thuộc về Người có thể tăng trưởng và sinh nhiều hoa trái dồi dào hơn nữa.

3. Tương quan giữa Đức Giêsu với những kẻ tin

Mối tương quan giữa Đức Giêsu với những kẻ tin được tác giả Tin Mừng Gioan diễn tả bằng một lời hết sức súc tích của Đức Giêsu:

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15, 5).

Động từ “ở lại” (μένω [menô]) hay “ở lại trong” (μένων ἐν [menô en]), được tác giả Gioan sử dụng nhiều lần, cụ thể ngay trong dụ ngôn Cây nho và cành nho ở đây, tác giả đã sử dụng đến 10 lần (Ga 15, 4abc.5.6.7ab.9.10ab), qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tương quan mật thiết và trung thành giữa người môn đệ với Đức Giêsu: với lời của Người, với các điều răn và nhất là với tình thương của Người.

“Ở lại trong Đức Giêsu” và để “Đức Giêsu ở lại trong người môn đệ” là hai phần của một tổng thể tương quan cá vị giữa Đức Giêsu với người môn đệ và người môn đệ với Đức Giêsu, tức là “nếu người môn đệ ở lại trong Đức Giêsu” bằng đức tin, thì “Đức Giêsu sẽ ở trong họ” bằng tình yêu, từ đó đưa đến kết quả là người môn đệ ấy sẽ trổ sinh hoa trái. Đồng thời việc người môn đệ ở lại trong Đức Giêsu để được Đức Giêsu ở lại trong họ như vậy cũng diễn tả rằng sự sống thật sự của người môn đệ chỉ có thể có được khi gắn kết và phụ thuộc hoàn toàn vào Đức Giêsu.

Sứ điệp Tin Mừng mà tác giả Gioan muốn truyền tải qua đoạn văn Tin Mừng Ga 15, 1-7 đó là Chúa Cha muốn trồng “một cây nho thật”, một cây nho phù hợp với mục đích và kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Người. “Cây nho thật” đó chính là Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, và chúng ta thật có phúc khi là những “cành nho” của “cây nho thật” ấy, nhờ đó chúng ta có thể tăng trưởng và sinh hoa trái đồi dào.

Tạm kết

Khi Đức Giêsu nhận mình là “cây nho thật” nghĩa là không chỉ thân nho mà là toàn bộ cây nho, tức cành, lá, thân, rễ, và tất cả đều là Đức Giêsu, và khi nói “anh em là cành”, hàm ý diễn tả cành là một phần của cây nho. Theo đó, Đức Giêsu chính là nguồn sống của tất cả những cành nào gắn liền với cây, và đó chính là sự quan phòng, ân sủng và lòng thành tín của Thiên Chúa đối với dân Người.

Như vậy, một khi chúng ta đã được tháp nhập và được trở thành một phần “cây nho thật”, được thông phần vào sự sống thật nơi Đức Giêsu, thì hy vọng tất cả chúng ta luôn là những cành có sự sống của Đức Giêsu và trình bày sự sống đó bằng những hoa trái tốt lành nhất mà Chúa Cha hằng mong muốn, bất chấp mọi khó khăn, thử thách và nghịch cảnh. Vậy giờ đây chúng ta cùng dâng lên Chúa lời ca tụng:

Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ,
vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.
Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế,
chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.
Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,
tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,
tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.
Bởi vì CHÚA nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín (Tv 100, 1-5).

Nguồn: tgpsaigon.net

 

bài liên quan mới nhất

Chạnh lòng trước nỗi đau của tha nhân

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng